Thứ Năm, 18 tháng 10, 2007

Xuất xứ của tục chọn ngày chọn giờ

Tìm điều lành tránh điều dữ thuộc bản năng của con người.

Do trình độ nhận thức, con người cổ sơ chưa thể nào hiểu nổi những hiện tượng thiên nhiên. Thiên nhiên cho ta sự sống, cho ta nước uống, thức ăn, không khí, ánh sáng, hơi nóng.v.v. nhưng bao nhiêu tai hoạ dồn dập đe doạ cuộc sống con người: hạn hán, bão lụt, sấm sét, giông tố, dịch bênh, thú dữ.v.v. cũng do thiên nhiên đưa tới.v.v? khi xã hội có giai cấp xuất hiện, con người cổ sơ cũng chưa thể nào hiểu nổi: tại sao thân phận từng người khác nhau? Kẻ đàn áp, bóc lột, độc ác, tàn bạo được hưởng phú quý, người nô lệ chịu cảnh khốn khổ bần cùng, các tập đoàn người gây còn gây chiến tranh tàn phá lẫn nhau, bao nhiêu cảnh đau thương chết chóc bất ngờ ập tới...?

Không giải thích nổi, họ đành quy mọi mối vào tạo hoá. Tạo hoá theo quan niệm thời nay là mọi thiên thể trong vũ trụ, là môi trường thiên nhiên và xã hội, nhưng theo quan niệm xưa là các lực lượng siêu nhiên, là ông trời là cả một loạt thiên thần ác quỷ hoặc một vùng phân dã dưới bầu trời. Trời ban phúc cho ai, người ấy được cai trị kẻ dưới, trời gieo tai vạ cho ai người ấy phải chịu. Bao nhiêu bất công trong đời chỉ biết van trời.


Do bản năng sinh tồn, con người phải tìm lẽ sống, tìm cách duy trì và phát triển nòi giống, vươn lên làm chủ muôn vật trên trái đất. Nhu cầu được thu hái sản phẩm, ăn no, mặc ấm, được ở yên, được đi lại bình yên, chống đỡ được bệnh tật tai hoạ là những nhu cầu cơ bản thuộc bản năng sinh vật. Tâm lý chung của xã hội loài người: tìm điều lành tránh điều dữ, xuất phát chung của các loại hình tôn giáo, các loại hình bói toán và các thuật chọn ngày giờ lành dữ.


Có ngày tốt ngày xấu hay không?


Thực tế có ngày làm mọi việc đều thắng lợi, nhiều điều may mắn tự nhiên đưa tới, ngược lại có ngày vất vả sớm chiều chẳng được việc gì, lại còn gặp tai nạn bất ngờ. Người ta muốn hỏi vì sao vậy? Phép duy vật biện chứng giải thích: Đó là quy luật tất nhiên và ngẫu nhiên. Trong tất nhiên có yếu tố ngẫu nhiên, ngược lại trong ngẫu nhiên cũng có yếu tố tất nhiên. Lý luận thì như vậy, nhưng người ta muốn biết cụ thể: làm sao đón trước được những yếu tố ngẫu nhiên tốt và tránh những yếu tố ngẫu nhiên xấu? Cụ thể: Tháng này cưới vợ nên chọn ngày nào thì tương lai duyên ưa phận đẹp, làm nhà nên chọn ngày nào thì con cháu sum vầy, gia đình làm ăn nên nổi, an táng nên chọn giờ nào, tránh giờ nào, để cầu được phúc đức tránh được tai vạ về sau. Vì vậy người ta phải tìm thầy, tìm sách xem ngày chọn giờ.


Nhưng trong Hiệp kỷ lịch không có ngày nào hoàn toàn tốt hay xấu cho mọi người, mọi việc, mọi địa phương.


Thực tế, trên chiến trường, thời điểm ta thắng thì địch thua, trên thương trường anh mất của thì người khác được của. Trời mưa lợi cho việc đồng áng ruộng vườn thì bất lợi cho việc xây nhà hay đi đường.v.v. Như vậy ngày tốt ngày xấu còn tuỳ thuộc từng người, từng việc, từng hướng, từng vùng.


Ngày tốt, ngày xấu còn tuỳ thuộc vào quan niệm của từng người.


Ví dụ mất của là điều không may, nhưng để an ủi người mất của, người ta bảo đó là điều may vì “của đi thay người”.


Ngày Nguyệt kỵ tức mồng năm, mười bốn, hai ba, ta cho là ngày xấu, kỵ kiêng xuất hành. Nhưng tránh được ngày nguyệt kỵ lại đến ngày tam nương (13 tam nương, 14 nguyệt kỵ, 22 tam nương, 23 nguyệt kỵ), nếu có việc cần kíp thì sao?


Có nhiều cho rằng: ngày xấu thiên hạ kiêng không xuất hành, thì đối với mình càng tốt, vì ngoài đường đỡ chen chúc nhau, xe tàu rộng chỗ, đỡ tai nạn giao thông.


Ngày Nguyệt kỵ: trong phong tục, mọi miền ở nước ta đều cho là ngày xấu, nhưng có thuyết cho rằng đó là ba ngày tốt nhất trong cả tháng. Bởi vậy, ngày xưa vua chúa chọn ba ngày đó đi du ngoạn. Vua chúa đi đâu cũng có binh lính dẹp đường, tiền hô hậu ủng. Dân chúng không được nhìn mặt vua chúa, phải cúi rạp hai bên vệ đường, chờ cho xa giá đi qua mới được đứng dậy. Muốn được việc, đành phải tìm đường khác đi cho nhanh, đỡ mất thì giờ, nhiều khi phải bỏ việc quay trở về. Dần dần, trở thành phong tục Nhân dân tránh 3 ngày mồng 5, mười bốn hăm ba của từng tháng, gọi ba ngày đó là ngày Nguyệt kỵ (ngày kiêng kỵ xuất hành của từng tháng). Ngày tốt đối với kẻ cao sang, nhưng trở thành ngày xấu của dân thường.


Khi đã chọn được ngày tốt đối với từng việc, theo thuật chiêm tinh, còn phải đối chiếu ngày đó có hợp với bản mệnh của người chủ sự hay không? Cụ thể, phải xem ngày đó thuộc hàng can, hàng chi nào? Có tương xung, tương khắc,tương hình, tương hại với bản mệnh can, chi của người chủ sự hay không?


Bác sĩ Vũ Định, trong bài “có ngày tốt, ngày xấu hay không?” (báo Hà Nội mới chủ nhật số 73) có nêu lên lập luận về nhịp sinh học của từng cá thể.


“Nếu biết ngày tháng năm sinh của mỗi người, có thể xác định được các chu kỳ đều chuyển tiếp từ bán chu kỳ dương sang bán chu kỳ âm. Số ngày trùng hợp với chuyển tiếp các chu kỳ là ngày xấu, có thể coi là ngày vận hạn của người đó”.


Lập luận trên phù hợp với nhận thức về mối quan hệ tương tác giữa các yếu tố địa vật lý vũ trụ với các hoạt động chức năng của cơ thể...Ta thử vận dụng lập luận về nhịp sinh học từng cá thể như đã nêu trên để phân tích ngày giờ hợp hay xung khắc với bản mệnh từng người trong thuật chiêm tinh có cùng luận cứ khoa học hay không?


Chọn ngày chọn giờ và bói toán khác nhau:


Các thuật sĩ làm nghề bói toán và chọn ngày chọn giờ đều có tên gọi chung là các nhà chiêm tinh hay âm dương học.


Nhưng bói toán và chọn ngày thuộc hai giai đoạn, hai lĩnh vực tư duy khác nhau của con người.


Con người muốn biết tương lai thân phận mình ra sao, sắp tới vận hạn rủi may thế nào, họ không nắm được quy luật thiên nhiên và xã hội, họ chỉ biết dựa vào thuật bói toán. Bói toán khi chưa có chủ định, chưa có phương hướng, chưa biết vận hội ra sao, việc làm thành bại thế nào.


Khác với thuật bói toán, khi người chủ sự muốn chọn ngày chọn giờ, tức là họ đã có chủ định, đã chuẩn bị sẵn cơ sở vật chất, hay ít ra cũng đã có dự án phác thảo, duy còn phân vân “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên” (Con người chủ động mưu tính công việc, việc làm đó thành hay bại còn do trời), có nghĩa là con người đặt khẳng định nội lực của mình, họ chỉ muốn tiến hành trong thời cơ nào thuận lẽ trời, dễ đi đến thành công , tránh được tai hoạ.


Vì sao tục chọn ngày chọn giờ tồn tại lâu đời?


Xuất phát từ bản năng trở thành tâm lý phổ biến trong quần chúng, mọi việc làm có thành bại. Không phải mọi người đều tin rằng yếu tố quyết định sự thành bại là do chọn ngày chọn giờ. Có người không tin vào thuật chiêm tinh, cho đó là điều nhảm nhí, nhưng chiều theo tâm lý chung của nhiều người trong gia đình họ hàng, xét thấy chẳng có hại gì, nên cũng chọn ngày chọn giờ. Đối với một người trong một năm, năm năm, làm sao tránh khỏi rủi ro bất ngờ, huống gì đối với cả nhà, cả họ. Hễ khi ai đó xảy ra tai nạn, họ đổ lỗi cho người chủ sự báng bổ, không chịu chọn ngày, chọn hướng.


Chỉ có lợi, không có hại:


Chọn ngày, giờ là một tục lệ biểu hiện sự thành kính, thận trọng, nghiêm trang, không tuỳ tiện, không cẩu thả trước, trong và sau khi tiến hành một công trình, do đó dễ được sự đồng tình của những người có liên quan, đối tác.


Có một luận thuyết để tin cậy.


Thuật chiêm tinh đúng hay sai, luận thuyết mình tuân theo đáng tin cậy hay không, chỉ có những người đi sâu nghiên cứu mới xác định được, tuy rằng “vô sư, vô sách, quỷ thần bất trách”, nhưng có vẫn còn hơn không, nếu sai sót gì đổ lỗi cho thầy, đã có thầy mang tội, người chủ sự đỡ lo.

Bàn về lịch vạn niên nhằm mục đích gì

Nói một cách ngắn gọn là để xử sự đúng đắn trước một thực trạng xã hội: tục chọn ngày chọn giờ vốn thuộc phong tục cổ truyền, vậy điều gì nên theo, điều gì nên bỏ cho phù hợp với hoàn cảnh và thời hiện đại ngày nay, đâu là ranh giới giữa “ Tôn trọng tự do tín ngưỡng” và “ Bài trừ mê tín dị đoan” theo đúng chủ trương đường lối của Đảng và chính phủ.


Chúng tôi đề cập đến một số vấn đề để mọi người cùng tham khảo:


  • Có ngày tốt, ngày xấu hay không?
  • Việc chọn ngày tốt, tránh ngày xấu, tìm giờ lành, kiêng giờ dữ, có hẳn là mê tín nhảm nhí không?
  • Vì sao tục chọn ngày, chọn giờ, chọn hướng còn tồn tại lâu đời, chẳng những âm ỉ lưu truyền nhiều nơi trong nước ta, mà lan truyền ở các nước trên thế giới, kể cả các nước nông nghiệp lạc hậu và các nước công nghiệp tiên tiến, các nước phương Đông và phương Tây.
  • Căn cứ lý luận của lịch pháp phương Đông? Thiên văn học cổ đại, căn cứ để làm lịch có tính pháp định gồm những nội dung gì? Từ thiên vănhọc cổ đại vận dụng vào thuật chiêm tinh để chọn ngày giờ như thế nào.
  • Diễn biến lịch sử từ khi nảy sinh các thuật chiêm tinh tính đến thời kỳ hình thành lịch vạn niên
  • Lịch vạn niên có từ thời nào? Cơ cấu của lịch vạn niên Trung Quốc với lịch vạn niên triều Nguyễn nước ta.
  • Nội dung Ngọc hạp thông thư tức lịch vạn niên triều Nguyễn.


Bàn về lịch vạn niên là nghiên cứu, vận dụng phép biện chứng, vận dụng quan điểm lịch sử và ánh sáng khoa học hiện đại, soi chiếu vào thuật chiêm tinh cổ đại, thử phân tích những điều gì mâu thuẫn, những điều gì lạc hậu lỗi thời cần phải loại bỏ, những điều gì chứa đựng hạt nhân logic có thể chấp nhận, tìm lấy những cốt lõi, những cái hay cái đẹp trong phong tục cổ truyền, loại bỏ những tạp chất, trên tinh thần “đãi cát tìm vàng”.


Người đọc chắt lọc được những điều bổ ích để sáng suốt tự xử sự việc mình, việc nhà, việc họ, việc xóm giềng, việc làm ăn liên kết, hợp với thời đại và cảnh ngộ riêng.

Thực trạng về lưu hành lịch vạn niên

Phải thừa nhận rằng trong những năm đầu có cuốn được viết nghiêm túc, lại hợp với tâm lý thị hiếu quần chúng lúc bấy giờ, nên mặc dầu sách “in chui” vẫn bán chạy. Dần dần các năm sau, chạy theo đồng tiền, sách rởm ra nhiều, thậm chí có cuốn mầu mè tô vẽ rất đẹp, nhưng bên trong chép lại y nguyên một cuốn của năm trước, chỉ đổi ngày, miễn sao sách bán được trót lọt. Người đọc thắc mắc muốn được giải đáp, nhưng sách không có tên tác giả, không có nhà xuất bản, chẳng ai biết hỏi ai.


Riêng năm Quý dậu (1993) chúng tôi được xem 8 cuốn lịch Vạn sự. Tám cuốn đó chèo chống nhau nhiều, cùng một ngày, cuốn X ghi: “nên xuất hành, giá thú...”, cuốn Y ghi: “ kỵ xuất hành, giá thú”. Có cuốn ghi: Tháng giêng, ngày Sửu trực Kiến. Tháng 2,3,4... cho đến tháng chạp vẫn ngày Sửu trực Kiến. Nếu ngày Sửu trực Kiến, ngày Dần trực Trừ, ngày Mão trực Mãn....Suốt năm 12 trực trùng với 12 chi cố định, vậy thì ai đặt trực làm gì cho thêm phiền phức. Khảo sát một cuốn lịch năm ất Hợi riêng vấn đề kỵ an táng: Có trên chục trường hợp, liên tục 8-10 ngày liền kỵ an táng. Thí dụ: từ 11 đến 21 tháng 8 kỵ an táng. Tưd 3 đến 13 tháng 8 nhuận kỵ an táng. Thử hỏi nếu người ta không chịu chọn ngày mà chết, nhỡ chết vào những ngày đầu kỳ ( như 11/8 hay 2/8 nhuận) vậy phải đợi đến bao giờ mới chôn.

Đặc biệt gần đây, như dư luận và báo chí đã nêu, năm Bính Tuất (2006) hầu hết “Lịch Vạn sự” đều lấy theo lịch Trung Quốc, cụ thể là 1 tháng 6 âm phải là ngày 25/6 dương lịch, thì lại ghi vào ngày 26/6, tức là chậm một ngày! Và sự sai lệch này kéo dài suốt cả tháng 6 âm lịch, đến tận ngày 29 tháng 6 âm (24/7/2006)!


Hơn nữa, để câu khách, một số “ Lịch Vạn sự” còn cài thêm những nội dung không dính dáng gì đến lịch, thí dụ : cách giải hạn sao Thái Bạch dùng bùa phép như thế nào, dùng giấy màu vàng hay xanh, đốt mấy ngọn nến, đốt cắm ở đâu? Hoặc nam nữ tuổi nào lấy được nhau, tuổi nào không hợp không nên lấy...


Chính vì vậy những cuốn được mệnh đanh là “Lịch Vạn sự” dần dần mất tín nhiệm, nhiều người thấy lạ mua về mới xem qua đã phải bỏ đi. Vì “danh bất chính nên ngôn bất thuận”, những người biên soạn thận trọng, nghiêm chỉnh cũng phải chịu chung số phận với những kẻ làm ăn cẩu thả, vô trách nhiệm.

Lịch vạn niên là gì ?

Lịch vạn niên còn gọi là Hoàng lịch thông thư, Hiệp ký lịch, Hiệp kỷ biện phương thư, Vạn bảo toàn thư, Tuyển trạch nhật, Ngọc hạp v.v...


Lịch vạn niên
là loại lịch dùng cho nhiều năm, soạn theo chu kỳ năm tháng ngày giờ hàng can hàng chi, cứ 60 năm quay lại một vòng, lịch vạn niên dựa vào thuyết âm dương ngũ hành sinh khắc chế hoá lẫn nhau, kết hợp với thập can, thập nhị chi, cửu cung, bát quái và nhiều cơ sở lý luận khác thuộc khoa học cổ đại phương Đông như thập nhị trực (Kiến Trừ thập nhị khách), Nhị thập bát tú, 12 cung Hoàng đạo, Hắc đạo... để tính ngày giờ tốt xấu.


Cuốn lịch Vạn niên thông dụng ở nước ta dưới triều Nguyễn là cuốn “Ngọc hạp thông thư”. Sở dĩ gọi là thông dụng, vì rải rác qua các tủ sách của các nhà Nho còn sót lại, chúng tôi tìm được các bản viết tay, quyển thì rách đầu, quyển thì mất đuôi, quyển thì bị xé giữa, mặc dầu viết tay, mặc dầu sưu tầm ở các địa phương cách xa nhau (Bắc Thái, hải Hưng, Hà Nội,Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên..) nhưng nội dung vẫn thống nhất.


Có thể nói, Ngọc hạp thông thư là cuốn sách gối đầu giường của các cụ nhà Nho nước ta thời trước: Động đến việc gì lớn hay nhỏ trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, chài lưới, săn bắn, trong lễ nghi tế tự, giao dịch, trong mọi mặt sinh hoạt gia đình, họ hàng, làng xóm, các cụ đều mở lịch ra chọn ngày lành,tránh ngày dữ.


Ngoài ra, trước năm 1945, ở nước ta cũng lưu hành một số sách khác như Vạn bảo toàn thư, Đổng công tuyển trạch nhật, Chư gia tuyển trach nhật in ẫn ở Trung Quốc đưa sang, hay cuốn Tăng bổ tuyển trach thông thư quảng ngọc hạp ký in ở Việt Nam dưới các triều đại nhà Nguyễn. Tất cả những cuốn trên đều dùng nội dung lịch vạn niên, nhưng pha trộn thêm nhiều tà thuyết, trong đó có những tà thuyết đã bị bác bỏ từ thời vua Khang Hy triều nhà Thanh.


Dưới triều Nguyễn (1802-1945) có Khâm định Vạn niên thư (triều Gia Long, Minh Mạng, Thiệu trị, Tự Đức) và Đại Nam hiệp kỷ lịch ( Từ triều Thành Thái1900 trở về sau). Đó là những cuốn lịch có tính có tính pháp định, do toà Khâm thiên giám soạn, đệ trình nhà Vua và do nhà vua ban cho thần dân hàng năm. ngọc hạp thông thư tức cuốn lịch vạn niên chúng tôi đề cập ở đây cũng do Khâm Thiên giám ban hành, cũng có chung cơ sở lý luận thuộc thiên văn học cổ dại nhưng không phái là Khâm định Vạn niên thư.


Lịch Vạn niên dùng để chọn ngày tốt ngày xấu còn phải dựa vào một loạt “thần sát” của thuật chiêm tinh cổ đại.


Lịch vạn niên cũng khác với Lịch vạn sự của từng năm, nhất là các cuốn gọi là “Lịch vạn sự” lưu hành trên thương trường nước ta những năm gần đây.

Hệ số can chi và lục thập hoa giáp

Hệ số can chi:

Hệ số quan trọng nhất trong lịch pháp phương Đông là hệ số 10 (thập can), hệ số 12 thập nhị chi, hệ số 60 tức lục thập hoa giáp, 6 chu kỳ hàng chi kết hợp với 10 chu kỳ hàng can 6x10=60 (lục giáp).

Thập can( tức là 10 thiên can): theo thứ tự:

1 - Giáp

2 - Ất

3 - Bính

4 - Đinh

5 - Mậu

6 - Kỷ

7 - Canh

8 - Tân

9 - Nhâm

10 - Quý

Thập nhị chi (12 địa chi): theo thứ tự:

1 - Tý

2 - Sửu

3 - Dần

4 - Mão

5 - Thìn

6 - Tỵ

7 - Ngọ

8 - Mùi

9 - Thân

10 - Dậu

11 - Tuất

12 - Hợi

Can chi nào là số lẻ là dương, can chi nào là số chẵn là âm. Dương can chỉ kết hợp với dương chi, âm can chỉ kết hợp với âm chi.

Sự kết hợp hàng can với ngũ hành và tứ phương

Giáp

: Dương mộc

Phương Đông

Ất

: Âm mộc

Phương Đông

Bính

: Dương hoả

Phương Nam

Đinh

: Âm Hoả

Phương Nam

Mậu

: Dương Thổ

Trung ương

Kỷ

: Âm thổ

Trung ương

Canh

: Dương Kim

Phương Tây

Tân

: Âm Kim

Phương Tây

Nhâm

: Dương Thuỷ

Phương Bắc

Quý

: Âm Thuỷ

Phương Bắc

Sự kết hợp hàng chi với ngũ hành và tứ phương:

Hợi

: Âm Thuỷ

Phương Bắc

: Dương Thuỷ

Phương Bắc

Dần

: Dương mộc

Phương Đông

Mão

: Âm mộc

Phương Đông

Ngọ

: Dương hoả

Phương Nam

Tỵ

: Âm Hoả

Phương Nam

Thân

: Dương Kim

Phương Tây

Dậu

: Âm Kim

Phương Tây

Sửu

: Âm thổ

Phân bố đều bốn phương

Thìn

: Dương Thổ

Phân bố đều bốn phương

Mùi

: Âm thổ

Phân bố đều bốn phương

Tuất

: Dương Thổ

Phân bố đều bốn phương

Can chi tương hình, tương xung, tương hại, tương hoá, tương hợp;

Tương hình(xấu) (chỉ tính hàng chi):

Trong 12 chi có 8 chi nằm trong 3 loại chống đối nhau:

1.Tý và Mão Chống nhau

2. Dần, Tỵ và Thân Chống nhau

3. Sửu, Mùi và Tuất Chống nhau

Và hai loại tự hình: Thìn chống thìn, Ngọ chống Ngọ (chỉ có Dậu và Hợi là không chống ai)

Tương xung (xấu) hàng can có 4 cặp tương xung (gọi là tứ xung).

Giáp (Phương Đông) xung với Canh (Phương Tây) đều Dương

Ất (Phương Đông) xung với Tân (Phương Tây) đều Âm.

Bính (Phương Nam) xung với Nhâm(Phương Bắc) đều Dương.

Đinh (Phương Nam) xung với Quý (Phương Bắc) đều Âm.

Hàng chi có 6 cặp tương xung (gọi là lục xung):

1 - Tý xung

7 - Ngọ (đều Dương và Thuỷ Hoả xung khắc)

2 - Sửu xung

8 - Mùi (đều Âm)

3 - Dần xung

9 - Thân (đều Dương và Kim Mộc xung khắc)

4 - Mão xung

10 - Dậu (đều Âm và Kim mộc xung khắc)

5 - Thìn xung

11 -Tuất (đều Dương)

6 - Tỵ xung

12 - Hợi (đều Âm và Thuỷ Hoả xung khắc)

  • Phương Đông Tây Nam Bắc đối nhau.
  • Khí tiết nóng lạnh khác nhau.

o Tương hại (xấu) có 6 cặp hàng chi hại nhau:

1. Tý - Mùi
2. Sửu – Ngọ
3. Dần - Tỵ

4. Mão - Thìn
5. Thân - Hợi
6. Dậu - Tuất

o Tương hoá (tốt) theo hàng can có 5 cặp tương hoá (đối xứng nhau).

1. Giáp-Kỷ hoá Thổ (âm dương điều hoà).

2. Ất-Canh hoá Kim (âm dương điều hoà).

3. Bính-Tân hoá Thuỷ (âm dương điều hoà).

4. Đinh-Nhâm hoá Mộc (âm dương điều hoà).

5. Mậu-Quý hoá Hoả (âm dương điều hoà).

Tuy phương đối nhau nhưng một âm một dương, âm dương điều hoà trở thành tương hoá, hoá để hợp.

o Tương hoá (tốt): Trong 12 chi có hai loại: lục hợp và tam hợp.

Lục hợp:

Tý và Sửu hợp Thổ.

Dần và Hợi hợp Mộc.

Mão và Tuất hợp Hoả.

Thìn và Dậu hợp Kim.

Thân và Tỵ hợp Thuỷ.

Ngọ và Mùi : thái dương hợp thái âm.

Thuyết “ Tam mệnh thông hội” giải thích rằng: hễ hoà hợp, âm dương tương hoà, thì khí âm khí dương hợp nhau. Tý, Dần, Thìn, Ngọ, Thân, Tuất là 6 dương chi gặp Sửu, Mão, Tỵ, Mùi, Dậu, Hợi 6 âm chi. Một âm một dương hoà hợp với nhau.

Tam hợp có 4 nhóm : cách 3

1. Thân Tý, Thìn hợp Thuỷ.

2. Hợi, mão, Mùi hợp mộc.

3. Dần, Ngọ, Tuất hợp Hoả.

4. Tỵ, Dậu, Sửu hợp Kim.

Thuyết âm dương ngũ hành

Thuyết âm dương ngũ hành


Âm dương:


Âm dương không phải là vật chất cụ thể, không gian cụ thể mà thuộc tính của mọi hiên tượng mọi sự vật, trong toàn thể vũ trụ cũng như trong từng tế bào, từng chi tiết.


Âm dương là hai mặt đối lập: Mâu thuẫn - Thống nhất, chuyển hoá lẫn nhau, dựa vào nhau mà tồn tại, cùng triệt tiêu thay thế nhau. Trong dương có mầm mống của âm, ngược lại trong âm có mầm mống của dương. Trong tất cả các yếu tố không gian, thời gian, vật chất ý thức đều có âm dương. Âm dương không những thể hiện trong thế giới hữu hình kể cả vi mô và vĩ mô mà còn thể hiện cả trong thế giới vô hình, hay gọi là thế giới tâm linh như tư duy, cảm giác, tâm hồn …từ hiện tượng đến bản thể..


Ngũ hành:


Có 5 hành:
Hoả (lửa), Thổ (Đất), Kim (Kim loại), Thuỷ (nước, chất lỏng). Mộc (cây cỏ). Theo quan niệm cổ xưa thì mọi vật chất trong vũ trụ đầu tiên do 5 hành đó tạo nên.


Ngũ hành có quy luật sinh, khắc chế hoá lẫn nhau. Để bạn đọc dễ hiểu, dễ nhớ chúng tôi xin trình bày luật tương sinh, tương khắc dưới dạng mấy câu ca dao sau:


Ngũ hành sinh:

Ngũ hành sinh thuộc lẽ thiên nhiên:

Nhờ nước cây xanh mới mọc lên (Thuỷ sinh mộc- màu xanh)

Cây cỏ làm mồi nhen lửa đỏ (Mộc sinh hoả- màu đỏ)

Tro tàn tích lại đất vàng thêm (Hoả sinh thổ: Màu vàng)

Lòng đất tạo nên kim loại trắng ( Thổ sinh kim: màu trắng)

Kim loại vào lò chảy nước đen (Kim sinh thuỷ- màu đen)


Ngũ hành khắc:


Ngũ hành tương khắc (lẽ xưa nay)

Rễ cỏ đâm xuyên lớp đất dày ( Mộc khắc thổ: Tụ thắng tán)

Đất đắp đê cao ngăn lũ nước (Thổ khắc Thuỷ: Thực thắng hư)

Nước dội nhanh nhiều tắt lửa ngay (Thuỷ khắc hoả: chúng thắng quả, nhiều thắng ít)

Lửa lò nung chảy đồng, chì, thép (Hoả khắc kim: Tinh thắng kiên)

Thép cứng rèn dao chặt cỏ cây ( Kim khắc mộc: cương thắng nhu).


Ngũ hành chế hoá:


Chế hoá là ức chế và sinh hoá phối hợp nhau. Chế hoá gắn liền cả tương sinh và tương khắc. Luật tạo hoá là: mọi vật có sinh phải có khắc, có khắc sinh, mới vận hành liên tục, tương phản tương thành với nhau.


Mộc khắc Thổ thì con của Thổ là Kim lại khắc Mộc

Hoả khắc Kim thì con của Kim là Thuỷ lại khắc Hoả

Thổ khắc Thuỷ thì con của Thuỷ là Mộc lại khắc Thổ

Kim khắc Mộc thì con của mộc là Hoả lại khắc Kim

Thuỷ khắc Hoả thì con của Hoả là Thổ lại khắc Thuỷ


Nếu có hiên tượng sinh khắc thái quá không đủ, mất sự cân bằng, thì sẽ xảy ra biến hoá khác thường. luật chế hoá duy trì sự cân bằng: bản thân cái bị khắc cũng chứa đựng nhân tố (tức là con nó) để chống lại cái khắc nó.

Tính chất các sao và thuyết “thiên nhân tương ứng”

Ngày giờ nào tốt hay xấu? Tốt xấu đối với việc gì? Tuỳ thuộc vào tính chất của các ngôi sao ngự trị trái đất trong ngày giờ đó, những sao có sẵn trong thiên văn học cổ đại, nhưng cũng có nhiều ngôi sao ước lệ, tuỳ theo tính chất và quy luật vận hành mà đặt tên.


Trong thuật chiêm tinh có tên chung gọi là “Thần sát” (Sát đồng nghĩa với tinh=Sao). Theo chu kỳ vận hành, Thần sát có 3 loại:

  • Niên Thần Sát (Theo chu kỳ năm: năm nào chiếu vào ngày nào).
  • Nguyệt thần sát ( Tháng nào chiếu vào ngày nào trong tháng).
  • Nhật thần sát (Ngày nào cũng có nhưng mỗi ngày chiếu vào một giờ).

Người xưa hình dung mỗi ngôi sao trên một bầu trời do một vị thần cai quản dưới sự điều khiển chung của ông trời.


Về tính chất mỗi sao một khác đối với từng việc và có mức độ khác nhau, đại thể chia ra làm 2 loại: Cát tinh (sao tốt) và hung tinh (sao xấu). Trong thiên văn học cổ đại không có sao tốt, sao xấu, vậy căn cứ vào đâu thuật chiêm tinh quy định sao tốt hay sao xấu?


Cơ sở triết học là kinh dịch, là thuyết “Thiên nhân tương ứng” (mối quan hệ giữa Trời và Đất và con người, giữa con người và vạn vật trong vũ trụ ), là luật âm dương ngũ hành xung hợp, sinh khắc, chế hoá lẫn nhau, thêm vào đó là tín niệm tôn giáo: Mọi hoạ phúc trên đời đều do một lực siêu nhiên có uy quyền sắp xếp.Nhưng thuật chiêm tinh không hoàn toàn lệ thuộc vào số phận mà luôn phát huy chủ thể của con người. Mọi việc của mình, vì mình phải luôn do mình chủ động gánh vác, chịu trách nhiệm, tìm đến việc chọn ngày giờ để nắm đúng thời cơ, hợp ý trời, thuận lòng người ( Theo thuyết “Thiên nhân tương ứng”).

Cơ sở tính toán lịch Việt Nam

Quy tắc tính Lịch âm Dương Á Đông:


Quy tắc tính Lịch âm Dương Việt Nam và Trung Quốc hiện nay giống nhau và chỉ khác ở múi giờ tham chiếu. Tuy nhiên sự khác nhau về múi giờ có thể dẫn đến sự khác nhau về điểm sóc tháng nhuận, ngày tết hay ngày chuyển tiết giữa lịch hai nước sau này chúng ta sẽ thấy.Các quy tắc tính lịch phát biểu ở đây hoàn toàn thống nhất với các quy tắc do đài thiên văn Tử Kim Sơn công bố (liu và Ste, 1984). Mặt khác, đây cũng là cách ghi tiếp cận của cố GS.Hoàng Xuân Hãn đề nghị tức là sử dụng các số liệu, phương pháp, mô hình tính hiện đại cuả Phương Tây để tính chính xác các điểm Sóc, Khí, rồi theo phép “Không trung khí là nhuận” của trung lịch để xác định tháng nhuận. Theo ông: “ Đó là hợp thuật hiện đại với phép lịch xưa để có thể duy trì một lịch pháp hợp thiên thời, địa lợi và nhân trí nhất”!


Dựa vào quy tắc được phát biểu sau đây như những “tiên đề” và áp dụng các phương pháp , mô hình thiên văn hiện đại chúng ta có thể tính lịch Việt Nam (và Trung Quốc) một cách chính xác, hợp với phép lịch xưa, có một nghiệm duy nhất mà không cần thêm bất cứ một điều kiện nào khác- như sẽ giải thích và minh chứng ở phần dưới.


Quy tắc tính:


a.
Ngày đầu tháng là ngày Sóc (Không trăng).

b. Năm bình thường có 12 tháng, năm nhuận có 13 tháng.

c. Ngày đông chí luôn rơi vào tháng 11.

d. Trong năm nhuận tháng không có Trung khí là tháng nhuận, tháng này đánh số trùng với tháng trước nó (thêm chữ nhuận). Nếu trong năm nhuận có hai tháng không có Trung khí thì tháng đầu tiên sau Đông chí được coi là tháng nhuận.

e. Tính toán dựa trên kinh tuyến pháp định (ở Việt Nam là 105 độ Đông và ở Trung Quốc là 120 độ Đông).


Giải thích về quy tắc


Sau đây chúng tôi giải thích về các quy tắc trên và minh hoạ bằng một số ví dụ, điều này là cần thiết vì có nhiều người hiểu không đúng về cách tính lịch, nhất là việc xác định tháng nhuận. Chẳng hạn theo 2 tác giả Nachum Dershowitz và Edward M.Reingold thì nhiều người không hiểu biết về Lịch âm Dương Á đông đã sai lầm khi cho rằng năm nhuận được tính dựa theo chu kỳ Meton 19 năm, hoặc tuyên bố là không có tháng nhuận sau các tháng 11, 12 hay các tháng 1. Điều này là không đúng ít nhất kể từ năm 1645 sau c.n và trong ví dụ dưới đây ta sẽ thấy là năm 2033 có tháng 11 nhuận.


(Theo quan điểm tính toán thì Lịch âm Dương Á Đông đã trải qua ba cải cách quan trọng: vào năm 104 trước c.n (đời Hán) quy tắc tháng nhuận là tháng Âm không chứa trung khí bắt đầu được áp dụng và điểm Sóc cũng như điểm khí (Tiết khí và trung khí) được tính trung bình, năm 619 sau c.n (đời Đường) các nhà làm lịch bắt đầu tính được Sóc thực và tới năm 1645 sau c.n ( đời Thanh) thì bắt đầu tính cả các điểm khí thực-Giá trị trung bình hay giá trị thực ở đây ám chỉ việc người xưa lức đầu coi chuyển động quỹ đạo của trái đất hay mặt trăng là chuyển động đều sau đó mới tính chuyển động thực tốc độ thay đổi.


Ngày mồng 1 Âm lịch:


Ngày được bắt đầu từ nửa đêm tới nửa đêm tiếp theo (từ 0 giờ đến 24 giờ). Dù điểm Sóc rơi vào bất cứ giờ nào trong ngày thì cả ngày đó (kể từ 0 giờ) là ngày Sóc, tức Ngày mồng 1 Âm. Với điểm Trung khí cũng vậy, dù điểm trung khí xẩy ra trước thời điểm Sóc nhưng ở cùng ngày thì cũng coi như nằm trong tháng Âm tính từ 0 giờ ngày Sóc hôm đó. Chẳng hạn Điểm Đông chí rơi vào 0 giờ 23’và điểm Sóc rơi vào 19 giờ 46’ (theo giờ Bắc Kinh) ngày 22 tháng 12 năm 1984 cho nên có thể coi tháng Âm bắt đầu từ 0 giờ ngày 22 tháng 12 này chứa điểm Đông chí trên. trong tính toán cụ thể điều này có nghĩa là chúng ta làm tròn đến số nguyên ngày Julius.


Tháng Âm lịch:


Khoảng thời gian giữa hai điểm Sóc kế tiếp nhau chính là Tháng giao hội, trong Lịch âm Dương Á Đông các Tháng giao hội ( với độ dài trung bình 29.53 ngày) được xấp xỉ bằng chuỗi tháng 29 và 30 ngày và các tháng này gọi là tháng Âm. Tháng Âm 29 ngày gọi là tháng thiếu Tháng Âm 30 ngày gọi là tháng đủ, độ dài tháng Âm chính bằng số ngày giữa hai ngày Sóc kế tiếp vào ngày 30 tháng 5, do vậy tháng 4 âm chỉ có 29 ngày và là tháng thiếu. Nếu biết ngày Julius tương ứng với các ngày Sóc ta chỉ việc trừ đi hai ngày Julius sẽ biết độ dài tháng, thí dụ cũng ở bảng 5. Ngày Julius của30 tháng 5 là 2445851 và ngày Julius của ngày Sóc kế tiếp (ngày 29 tháng 6) là 2445881 nên tháng 5 âm có 2445881-244581= 30 ngày là tháng đủ.


Năm Âm lịch


Do độ dài 12 tháng Âm trung bình bằng 354.3671 ngày, ngắn hơn khoảng 11 ngày so với năm Xuân phân (trung bình =365.2422 ngày) nên để cho phù hợp với thời tiết cứ sau vài ba năm người ta lại chèn thêm tháng nhuận vào theo quy tắc d. ở trên. Như vậy năm Âm lịch bắt đầu từ tết Nguyên đán và kết thúc vào ngày trước tết Nguyên Đán kế tiếp có 12 hoặc 13 tháng Âm. Trong năm thường ( 12 tháng Âm) có 353, 354 hoặc 355 ngày,còn năm nhuận có 383, 384, 385 ngày. Trong Lịch âm Dương á đông năm Xuân phân được đánh dấu từ điểm Đông chí này đến điểm Đông chí tiếp theo chứa 24 khí và lịch 24 khí này tục gọi là lịch nhà nông, năm Âm lịch không phải là lịch nhà nông vì không thích hợp cho dự báo thời tiết mặc dù nhiều người vẫn gán nhầm tên này cho nó.


Xác định tháng nhuận:


Độ dài tháng Âm biến đổi trong khoảng 29.27 ngày đến 29.84 ngày. Giữa hai điểm Đông chí liên tiếp nhau chỉ có thể có 12 hay 13 điẻm Sóc, không thể ít hơn 12 và nhiều hơn 13!Nếu giả dụ chỉcó 11điểm Sóc, lúc này giữa hai Đông chí nhiều nhất có: 12 tháng Âm x 29.84 ngày<358>380 ngày, điều này là không thể được vì các độ dài trên nhỏ hơn hoặc lớn hơn khoảng cách giữa hai Đông chí! Tương tự như vậy, giữa các điểm Đông chí của hai năm liên tiếp như của năm N-2 và năm N hay của năm N-1 và N+1 chỉ có thể chứa 24 hoặc 25 tháng Âm nên nếu giữa hai Đông chí (thí dụ của năm N-2 và năm N ) có tháng nhuận (13 điẻm Sóc) thì giữa hai Đông chí của năm liền kề như của năm N-2 và năm N-1 hay của năm N và năm N +1 sẽ chỉ có 12 điểm Sóc và không có tháng nhuận.


Nếu giữa hai Đông chí có 13 điểm Sóc thì dứt khoát sẽ tồn tại 2 điểm Sóc kế tiếp nhau không chứa một trung khí nàoví một năm Xuân phân chỉ có 12 Trung khí (nguyên lý hộp Dirchlet).Để làm rõ thêm chúng ta hình dung các trung khí giữa hai Đông chí tạo thành các vách ngăn của 12 hộp, 13 điểm Sóc như 13 hạt thóc bỏ vào 12 hộp thì ít nhất tồn tại một hộp chứa nhiều hơn 2 hạt thóc và giữa 2 hạt thóc này (2 điểm Sóc) không có vách ngăn Trung khí nào.(Khoảng thời gian giữa hai Trung khí thay đổi từ 29.44 ngày đến 31.44 ngày nên hoàn toàn có thể xấy ra trường hợp một tháng Âm chứa hai Trung khí ). Tháng đầu tiên sau Đông chí không có Trung khí như thế gọi là tháng nhuận, điều này đúng cho một năm N bất kỳ.


Tóm tắt các bước tính tháng nhuận:

  • Xác định các điểm Đông chí của năm N-1 và năm N (ký hiệu là Đ-1 và Đ)
  • Xác định các điểm Sóc giữa hai điểm Đông chí trên ký hiệu là S(1), (2)…đến S(12)hoặc S (13), nếu có 13 điểm Sóc thì giữaXác định các điểm có tháng nhuận.
  • Xác định các điểm Trung khí giữa Đ-1 và Đ, không kể Đ-1 và Đ thì luôn có 11 Trung khí tất cả.

Nếu có tháng nhuận thì tháng [S(k), S(k+1K] đầu tiên sau điểm Đ-1 không chứa Trung khí là tháng nhuận.

  • Các tháng Âm được đánh số sao cho hai tháng chứa các điểm Đông chí Đ-1 và Đlà các tháng mang số 11.


(Khi nói năm N có tháng nhuận ta cần hiểu câu này chỉ liên quan đến khoảng thời gian từ Đông chí năm N-1 đến Đông chí năm N mà không phải tính từ 1 tháng 1 đến 31 tháng 12 năm N vì Điểm Đông chí thường rơi vào khoảng 21 (hay 22) tháng 12 hàng năm.


Thí dụ1:
Tại sao năm 1968 Việt Nam ăn tết Nguyên Đán trước Trung Quốc một ngày?


Việc miền Bắc bắt đầu chuyển sang dùng lịch Việt Nam chính xác không phải bắt đầu từ ngày 1 tháng 1 năm 1968 mà sớm hơn 1 ngày, từ ngày 31 tháng 12 năm 1967 tương ứng với ngày mồng 1 tháng Chạp cả ở lịch Việt Nam và lịch Trung Quốc nhưng điểm Sóc tiếp theo xẩy ra lúc 23 giờ 29’ (giờ Việt Nam) ngày 29 tháng 1 năm 1968 (nên tháng chạp lịch Việt Nam chỉ có 29 ngày), lúc này theo giờ Bắc kinh đã là 0g 29’ ngày 30 tháng 1 ( vì vậy tháng chạp ở Trung Quốc có 30 ngày), cho nên để chuyển sang đung lịch Việt Nam từ 1968 thì ngày 31 tháng 12 năm 1967 phải ghi là mồng một tháng chạp thiếu thay vì là tháng chạp đủ như cũ. Cũng vì vậy tết Nguyên Đán năm Mậu Thân 1968 theo lịch Việt Nam là ngày 29 tháng 1, còn theo lịch Trung Quốc là ngày 30 tháng 1!



Thí dụ 2:
Tại sao lịch Trung Quốc có tháng 10 nhuận vào năm 1984 trong khi lịch Viẹt Nam có 2 tháng nhuận vào năm 1985 và tết Nguyên đán ở hai nước lại lệch nhau 1 tháng?


Có hai điểm Trung khí khác nhau là Đông chí năm 1984 và Xuân phân năm 1985. Điẻm Đông chí năm 1984 xẩy ra lức 23 giờ 23’ gìờ Việt Nam ngày 21 tháng 12 tức 0 giờ 23’ giờ Trung Quốc ngày 22 –2 12 và điểm Xuân phân rơi vào 23 giờ 14’ giờ Việt Nam ngày 20 tháng 3 năm 1985 tức 0 giờ 14’ngày 21 tháng 3 theo giờ Trung Quốc. Theo giờ Việt Nam ta thấy là giữa Đông chí năm 1983 và năm 1984 (từ ngày 22/12/1983 đến ngày 22/12/1984) chỉ có 12 điểm Sóc nên khoảng thời gian này lịch Việt Nam không có tháng nhuận.


Ngược lại theo giờ Trung Quốc thì từ ngày 22/12/1983 đến ngày 22/12/1984 (khoảng cách giữa hai Đông chí dài thêm một ngày) có tất cả 13 điểm Sóc (điểm Sóc cuối cùng rơi vào đúng vào ngày Đông chí 22/12) và tháng Âm từ 23/11 đến 22/12 không chứa Trung khí nào nên là tháng nhuận. Mặt khác theo giờ Việt Nam từ Đông chí ngày 21/12/1984 đến Đông chí ngày 22/12/1985 cso 13 điểm Sóc và tháng Âm bắt đầu từ ngày 21/3đến ngày 19/4/1985 không chứa Trung khí nào nên tháng Âm này chính là tháng 2 nhuận (nhưng theo giờ Trung Quốc thì tháng này lại chứa một Trung khí là điểm Xuân phân ).


Do sự khác nhau về tháng nhuận nên ngày mồng một Tết Ất Sửu ở Việt Nam rơi vào 21 tháng 1 (1985) còn ở Trung Quốc là ngày 20/2/1985. Như vậy trong hai năm 1984,1985 lịch Việt Nam và Trung Quốc khác nhau từ ngày 23/11/1984 đến ngày 19/4/1985 và giống nhau ở các khoảng thời gian còn lại-về các điểm khí có 3 tiết không trùng nhau, ngoài tiết Đông chí và Xuân phân kể còn tiết Bạch lộ (1985) cũng khác biệt nhau một ngày giữa hai lịch!